HoangTuanCoffee-2

Những điều thú vị về lịch sử của cà phê

Ngày nay, chúng ta không quá khó khăn để có thể thưởng thức espresso, cappuccino, caffe latte, mocha, caffe Americano, Irish coffee. Nhưng nhiều thế kỷ trước, thức uống này đã không dễ dàng được chấp nhận. Dưới đây là những thông tin khá thú vị, xoay quanh hành trình khẳng định vai trò quan trọng của cà phê xuyên suốt lịch sử hiện đại.

1. Thế kỷ thứ 9, người ta cho rằng một người chăn dê ở Ethiopia là người đầu tiên phát hiện ra cà phê. Tuy nhiên, cà phê chính thức được biết đến vào thế kỷ 15, ở đền thờ của người Hồi giáo dòng Sufi của Yemen.

2. Cách đây khoảng 1.100 năm, cà phê được các thương nhân mang vào Ả Rập. Người dân nước này đã sử dụng quả cà phê lên men để chiết xuất loại rượu sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

3. Trước đây, ở Thánh địa Mecca đã từng có những quán cà phê. Nhưng rồi những cuộc tụ họp chính trị đã khiến các Thầy tế ngăn chặn phục vụ cà phê cho người Hồi giáo. Lệnh cấm kéo dài từ năm 1512 đến năm 1524. Các hoạt động chính trị chống đối ở châu Âu cũng đã thôi thúc vua Charles II ra lệnh đóng cửa các quán cà phê từ tháng 1/1676. Tuy nhiên, lệnh cấm đã không thể thực thi do sự phản đối ồ ạt cũng như tình hình xã hội phức tạp.

4. Thành phố được gọi bằng mỹ từ “Thánh địa tình yêu”, Venice thuộc Italia, cùng với vùng Trung Đông và Bắc Phi là những điểm khởi đầu của văn hóa cà phê. Quán cà phê đầu tiên của châu Âu cũng xuất hiện tại Italia vào năm 1645.

5. Cà phê từng được coi là “thức uống của người Hồi giáo”, và thời điểm đó chưa có nhiều người ưa thích vị đắng nguyên thủy của thức uống này. Cho tới năm 1600, Đức Giáo Hoàng Clement VIII đã gọi cà phê là “thức uống của người theo đạo Kito”, và lúc này, cà phê mới thực sự phổ biến. Tuy nhiên, người Kitô hữu Chính Thống tại Ethiopia lại không có cảm tình với cà phê. Do đó thức uống này bị “ghẻ lạnh” và bị cấm tiêu thụ cho đến khoảng năm 1899. Đến nay, cà phê lại trở thành thức uống được yêu thích bậc nhất tại quốc gia này.

6. Vào thập niên 1970, người ta bắt đầu chuyển kỹ thuật canh tác cà phê trong bóng râm ra ngoài trời, nơi loại cây trồng này có thể hấp thu một cách triệt để ánh nắng mặt trời. Nhờ đó, quả chín nhanh, đều hơn, năng suất cà phê cũng tăng lên.

7. Khi đã được phơi hoặc sấy khô, hạt cà phê được rang lên. Trong quá trình này, một số tinh dầu và acid cạn kiệt gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, loại tinh dầu mang tên caffeol lại được tăng cường. Nhờ đó, cà phê có một mùi thơm và hương vị đặc trưng.

8. Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ có một hương vị đặc trưng nhờ sự kết hợp giữa rượu và cà phê. Cà phê cũng được coi là một chất phụ gia không thể thiếu trong sản xuất bia nhằm làm bia có màu sắc hấp dẫn hơn.

9. Cà phê là sản phẩm chỉ đứng sau dầu khí trong giao dịch ngoại thương trên thế giới. Và Brazil là nước xuất khẩu cà phê số một thế giới.